Sản phẩm công nghệ của CMC gây ấn tượng tại Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Sản phẩm công nghệ của CMC gây ấn tượng tại Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28.10 – 1.11 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (NIC), Hà Nội. Tham dự VIIE 2023, CMC mang đến sự kiện những sản phẩm tiêu biểu được các đơn vị thành viên nghiên cứu và phát triển. Đây là thành quả của sự đầu tư về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong suốt 30 năm qua của tập đoàn.

Tại VIIE 2023, Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) vinh dự góp mặt trong nhiều hoạt động và trưng bày sản phẩm công nghệ mang tính tiên phong đổi mới, sáng tạo. CMC đã sử dụng song song hai hình thức: trưng bày sản phẩm vật lý kết hợp trình chiếu kỹ thuật cảm ứng với công nghệ motion graphic (đồ họa chuyển động) nhằm mang đến những trải nghiệm mới lạ, trực quan cho khách tham quan. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ ánh sáng được phát huy hiệu quả đã chạm tới đa giác quan của người tham gia.

Đặc biệt, sản phẩm hệ thống phân tích và quản lý hình ảnh thông minh CIVAMS của Viện CMC ATI đã đã đạt giải Chuyển dịch tương lai (Future Evolution Award), lọt Top 4 trong nhóm sản phẩm của tập đoàn và doanh nghiệp lớn, Top 12 trong tổng số 758 sản phẩm tham gia Giải pháp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Tập đoàn Meta (Facebook) tổ chức.

Giải pháp phân tích và quản lý hình ảnh thông minh CIVAMS được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ CMC phát triển và thử nghiệm từ 2019. Giải pháp gồm 3 thành phần chính: nhận diện khuôn mặt, chấm công nhân viên và kiểm soát ra vào, cảnh báo an toàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ấn tượng với phần trình diễn CIVAMS.Face của CMC tại Triển lãm CMC & Các SPDV CMC trong Lễ khai trương trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận năm 2022.

Trong điều kiện ánh sáng bình thường, sử dụng IP camera, hệ thống có thể đạt độ chính xác tới 99.3% trên bộ cơ sở dữ liệu 10.000 ID được đánh giá theo tiêu chuẩn BLUFR (Benchmark of Large-scale Unconstrained Face Recognition) và tốc độ phản hồi chưa tới 300ms. Hệ thống có thể nhận diện cả trong trường hợp đeo khẩu trang, có thể kiểm tra thân nhiệt, cũng như có khả năng chống giả mạo.

Một trong những ưu việt của CIVAMS là khả năng nhận diện khuôn mặt nhanh và chính xác với cơ sở dữ liệu lớn (hơn 6 triệu ảnh mặt).

Mỗi khuôn mặt có 512 đặc trưng nhưng thời gian tìm kiếm nhận dạng vẫn dưới 1 giây. Đặc biệt CIVAMS có thể hoạt động 24/7 khi mất kết nối với trung tâm.

Gian hàng triển lãm của CMC thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế tại VIIE 2023.

Sau khi trải nghiệm Hệ thống nhận diện khuôn mặt CIVAMS – một sản phẩm sáng tạo của Viện ATI – với khả năng nhận diện chính xác lên tới 99%, lắng nghe thông số phân tích phục vụ cho các mục đích liên quan đến Thành phố an toàn, Tòa nhà thông minh và Thương mại thông minh, ông Hiroki Hatashi (62 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) cho biết: “Trước đây tôi từng tìm hiểu về hệ thống này trên mạng và nghĩ rằng, đây là một sản phẩm rất hay. Nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh rõ nét và số liệu chứng minh độ bảo mật cao, tôi đã rất bất ngờ vì chúng còn tuyệt vời hơn so với những gì tôi từng hình dung“.

Tại lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các hoạt động kêu gọi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, CMC cam kết sẽ là một trong các doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động đầu tư và phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, mục tiêu lớn hơn là đưa Việt Nam trở thành quốc gia hiện đại, lớn mạnh trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC cho biết, chỉ trong vài năm qua, CMC ATI đã có bước chuyển mình lớn khi xây dựng được 20 công nghệ lõi, từ đó phát triển ra được hệ sinh thái AI phục vụ cho chuyển đổi số. Cùng với đó là xây dựng được nền tảng để xử lý dữ liệu lớn (Big Data), xây dựng được những giải pháp cho IoT, nền tảng security và blockchain.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC chia sẻ, công nghệ nhận diện khuôn mặt dựa vào trí tuệ thông minh (AI) của CMC ATI là sản phẩm tiêu biểu cho quan điểm “làm công nghệ thì phải thắng bằng công nghệ”.

Sản phẩm đã được ứng dụng tại UBND TP Hà Nội, Bệnh viện Vinmec, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi… phục vụ nhận diện khuôn mặt để nhận diện ra vào, chấm công, nhận diện khách VIP…”, Tiến sĩ Tuấn thông tin.

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc CMC khẳng định: “Những sản phẩm công nghệ của CMC luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi tự tin và cam kết cung cấp được những sản phẩm luôn cập nhật công nghệ, không ngừng cải tiến, sáng tạo và hướng đến người dùng“.

Đặc biệt, nhận được sự đầu tư lớn của tập đoàn cho khối Nghiên cứu và Giáo dục, Trường Đại học CMC được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại từ CMC ATI phục vụ cho hoạt động học tập, thực hành và nghiên cứu của sinh viên. Cùng với những công nghệ tiên phong như AI Chatbot, thực tế ảo tăng cường hỗn hợp AR/VR,… thì hệ thống nhận diện gương mặt CIVAMS cũng được ứng dụng trực tiếp trong khuôn viên cơ sở đào tạo của Trường Đại học CMC.

Hệ thống nhận diện gương mặt CIVAMS được ứng dụng trực tiếp trong khuôn viên cơ sở đào tạo của Trường Đại học CMC.

Trải nghiệm tiện ích công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ vào kiến thức chuyên môn trong từng ngành đào tạo, sinh viên Trường Đại học CMC có được nền móng vững chắc để nhanh chóng hòa nhập với thế giới số và nền kinh tế số sau khi tốt nghiệp.

Leave your thought here