Tập đoàn Công nghệ CMC bắt tay giới khởi nghiệp

Tập đoàn Công nghệ CMC bắt tay giới khởi nghiệp

CMC là một trong những tập đoàn hiếm hoi ở Việt Nam đang bước chân vào không gian khởi nghiệp Việt Nam với việc lập quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô 5 triệu USD.

Tập đoàn Công nghệ CMC đang có kế hoạch đầu tư vào các startup phù hợp với hệ sinh thái của mình.

CMC là một trong những tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông lớn nhất Việt Nam với doanh thu hơn 360 triệu USD và khách hàng ở 30 quốc gia. Bắt tay được với một đối tác/nhà đầu tư có vị thế tốt như vậy sẽ là giấc mơ của bất kỳ công ty khởi nghiệp công nghệ nào. Tin tốt là CMC cũng quan tâm đến lĩnh vực khởi nghiệp.

Cuối tháng 7 vừa qua, TS. Nguyễn Duy Việt – Trưởng ban Đầu tư và Mua bán Sáp nhập, người trực tiếp quản lý Quỹ đổi mới sáng tạo CIF (CMC Innovation Fund) đã có những trao đổi với Tạp chí Khoa học & Phát triển về Quỹ đổi mới sáng tạo CIF và cách vận hành.

Xem thêm:

Một hòn đá trúng hai đích

CMC có vài cách tiếp cận để hỗ trợ startup hoặc dự án khởi nghiệp, tất cả đều thống nhất với mục tiêu cuối cùng là tìm kiếm các nhóm công nghệ có thể bổ sung cho hệ sinh thái của tập đoàn. Một trong những cách quan trọng nhất sắp được triển khai là thông qua Quỹ đổi mới sáng tạo CIF.

Đây là một quỹ đầu tư mạo hiểm của công ty (corporate venture capital – CVC) để mua cổ phần trong các công ty độc lập nhỏ hơn. Mô hình này không mới trên thế giới, nơi các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Qualcomm, Microsoft và Intel đều có các cánh tay đầu tư mạo hiểm hoạt động chuyên nghiệp để cung cấp vốn và hỗ trợ đáng kể cho startup.

Ở Việt Nam, CMC không phải là công ty đầu tiên nhưng cũng nằm trong số các tập đoàn công nghệ hiếm hoi muốn triển khai mô hình này. Có rất ít tập đoàn tư nhân trong nước đã mở rộng danh mục đầu tư của mình về phía thị trường khởi nghiệp, trong số đó có thể kể đến FPT Ventures (thành lập 2015, bắt đầu hoạt động mạnh từ năm 2021) hay VinGroup Ventures (thành lập 2018, dừng hoạt động năm 2020). Các tập đoàn nhà nước hiện chưa có cơ chế rõ ràng cho phép đầu tư mạo hiểm, mặc dù họ nhận thấy tiềm năng. Năm 2016, công ty con của Viettel có ý định mở quỹ đầu tư rót vốn vào các startup, nhưng buộc phải bỏ qua các công ty Việt. Đến nay, hầu như đa số các công ty thuộc top đầu về công nghệ – viễn thông trong nước đều đứng ngoài vòng đầu tư cho khởi nghiệp.

CIF được thành lập từ năm 2017, nhưng phải đến tận bây giờ, sau một thời gian thăm dò, quan sát và dốc sức tìm kiếm những quản lý cấp cao nắm bắt sâu về lĩnh vực này, Quỹ mới bắt đầu hoạt động mạnh mẽ và đưa ra những chương trình hành động cụ thể.

Mục tiêu của CIF là tìm kiếm và chốt được thỏa thuận với các nhóm ý tưởng sáng tạo bên trong và bên ngoài Tập đoàn.

Cũng như bất kỳ tập đoàn công nghệ nào, CMC cần tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Trong nội bộ, khoảng 6.000 nhân viên của Tập đoàn có không ít ý tưởng sáng tạo, tuy nhiên vùng chất xám này đang chảy ra bên ngoài. Mặc dù chưa thực hiện các khảo sát chính thống nhưng bản thân những người lãnh đạo biết rằng có rất nhiều lập trình viên đang triển khai các dự án riêng hoặc kết hợp với các nhân sự bên ngoài để làm dự án.

“Do vậy, thông qua quỹ CIF, chúng tôi có thể đưa ra các khoản đầu tư hấp dẫn và nhiều ưu đãi để thu hút các nhóm ưu tú, từ đó thuyết phục họ rằng nếu làm bên ngoài thì cũng không có lợi bằng làm ở bên trong Tập đoàn. Họ sẽ hoạt động như một dự án riêng biệt trong lòng tập đoàn”, TS Nguyễn Duy Việt nói.

Không chỉ quan tâm đến các ý tưởng sáng tạo dưới trướng của mình, CMC còn tìm kiếm các startup từ bên ngoài. Vì công nghệ thông tin là một ngành thay đổi nhanh chóng nên CMC luôn tăng cường những hoạt động đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation), tức cho phép những đổi mới từ bên ngoài vào giải quyết các bài toán ở bên trong.

Không phải đến lúc quỹ CIF vận hành thì tập đoàn mới quan tâm đến khía cạnh này. Trên thực tế, từ năm 2019, Tập đoàn đã tạo ra hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPEN2N, cho phép các đối tác, tập đoàn công nghệ từ bên ngoài liên kết. Việc đưa thêm các startup vào như một liên doanh độc lập sẽ càng làm tăng nhu cầu hoạt động của hệ sinh thái này và tạo cho CMC cơ hội để xây dựng các khả năng mới.

Điều này đặc biệt đúng khi các tập đoàn phải đối mặt với thị trường mới hoặc công nghệ đột phá. Bằng cách tách riêng hoạt động chính của mình với các nhóm nội bộ và startup bên ngoài, CMC có thể tránh được những rủi ro làm suy yếu guồng máy lớn của mình. Nếu các nhóm và startup này hoạt động tốt, Tập đoàn sau đó có thể đánh giá khả năng điều chỉnh quy trình của mình để giống với các quy trình khởi nghiệp hơn. Trong những trường hợp đặc biệt, họ thậm chí có thể quyết định mua lại startup.

Khẩu vị đầu tư

CIF hiện có quy mô 5 triệu USD (~100 tỷ đồng), tập trung vào giai đoạn từ pre-seed tới series A, và ưu tiên các công nghệ lõi phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn, bao gồm Big Data/AI, Robotics, Blockchain, v.v.

Các thương vụ đầu tư có thể được rót vốn ở mức 20.000 – 1 triệu USD. Bằng cách này, CMC có thể trở thành một trong những nhà đầu tư ‘hào phóng’ cho các startup Việt đang tìm kiếm nguồn lực phát triển trong thời kỳ non nớt.

TS Nguyễn Duy Việt tiết lộ, Tập đoàn có thể sở hữu từ 10-20% vốn cổ phần của doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, và nếu startup tốt lên thì họ sẵn sàng tham gia vào các vòng tài trợ tiếp theo để nâng mức sở hữu lên tới 50%.

Với dải đầu tư như vậy, CMC có thể gật đầu với những nhóm dự án mới chỉ hình thành ý tưởng hoặc một số concept của sản phẩm, cho đến các công ty khởi nghiệp đã hoạt động trên thị trường vài năm và thể hiện được tiềm năng.

Khác với các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân (venture capital – VC), quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn CMC không đặt mục tiêu lợi nhuận tài chính lên trên hết mà tìm kiếm những công ty khởi nghiệp có thể hiệp đồng với hoạt động kinh doanh của công ty mẹ hoặc có ý nghĩa cho sự phát triển của công ty mẹ trong tương lai.

CIF đưa ra một bộ tiêu chí xét duyệt rõ ràng, trong đó khả năng phù hợp với định hướng và tích hợp được vào hệ sinh thái của CMC chiếm trọng số cao nhất (40%), theo sau là các yêu cầu về công nghệ, khả năng chiếm lĩnh thị trường, tiềm năng sinh lời và cuối cùng là năng lực quản lý.

Ở chiều ngược lại, CMC hứa hẹn cung cấp những “giá trị gia tăng” khác nhau cho startup trong danh mục đầu tư của mình, bao gồm khách hàng, chuyên môn và hạ tầng.

Ví dụ, sản phẩm của công ty khởi nghiệp có thể được bán chéo trên hệ thống sales của CMC, hoặc các giải pháp mà họ tạo ra có thể được đưa vào trong gói giải pháp mà CMC cung cấp cho khách hàng, chẳng hạn như các giải pháp chuyển đổi số mang tính toàn diện cung cấp cho chính phủ hoặc doanh nghiệp. Những hỗ trợ thị trường như thế rất quan trọng, giúp các startup giai đoạn đầu có được doanh thu để tiếp tục sống sót. Đây là điều mà các quỹ VC không làm được so với các quỹ mạo hiểm của tập đoàn.

CMC còn có một hệ thống chuyên gia, trường đại học và viện nghiên cứu ứng dụng đang triển khai các dự án đa dạng, có thể cung cấp các tư vấn kỹ thuật và góc nhìn quan trọng để giúp các công ty trong danh mục đầu tư phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô, công nghệ, bán hàng và tiếp thị.

Cuối cùng, các startup tham gia vào hệ sinh thái CMC có thể tiếp cận những gói hỗ trợ hạ tầng số với mức giá tốt và nhanh nhất. “Chẳng hạn như khi scale-up một dịch vụ nào đó trên đám mây, bình thường startup sẽ phải đàm phán với các nhà mạng rất lâu. Còn nếu đã nằm trong hệ sinh thái của CMC rồi thì việc tăng phục vụ thuê bao từ mức 1.000 lên 100.000 là đơn giản. Điều này sẽ giúp ích cho sự thành công của startup so với khi không có những hỗ trợ như vậy”, TS. Nguyễn Duy Việt chia sẻ.

Quỹ CIF biết rằng chắc chắn sẽ có rủi ro khi đầu tư vào các doanh nghiệp mới, tuy nhiên họ có kế hoạch nuôi dưỡng các startup để giảm thiểu và kiểm soát rủi ro.

Bên cạnh đó, Tập đoàn CMC cũng rất cởi mở với việc đồng đầu tư (co-invest) cùng các quỹ và đối tác khác, thậm chí ưa thích việc này. TS. Nguyễn Duy Việt tiết lộ CIF đang nỗ lực xây dựng mạng lưới với các quỹ đầu tư khác trên thị trường, như BK Fund, nơi có nguồn dự án công nghệ dồi dào từ các trường đại học; hay ThinkZone, nơi đã thiết lập được mạng lưới nhà đầu tư chuyên nghiệp; cùng một số VC đơn thuần khác. Họ cũng bắt tay với các tổ chức thúc đẩy startup, bao gồm Đề án 844 của Bộ KH&CN, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC của Bộ KH&ĐT, và một số tổ chức thúc đẩy nước ngoài để tìm kiếm và chọn lọc start-up.

TS. Nguyễn Duy Việt hy vọng trong năm nay hoặc đầu năm sau, CIF sẽ có khoản đầu tư đầu tiên vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam.

Leave your thought here